Banner
Trang chủ CỰU SINH VIÊN

Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên những ngày chống chiến tranh xâm lược Trung Quốc ở Biên giới Phía Bắc

18/05/2020 14:49 - Xem: 1506
Cùng chậm lại lắng nghe đôi dòng cảm xúc về ngày kỷ niệm 17/2/1979 của một Cựu sinh viên khóa 5!

        Sau kỳ nghỉ Tết đón năm mới 1979, xung đột biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra căng thẳng và rộng khắp trên toàn tuyến. Các thông tin nóng bóng từ biên giới dội về trường qua các sinh viên quê vùng ven biên cũng như trên đài báo hàng ngày gợi lên nhiều nỗi lo lắng về khả năng xảy ra chiến tranh giữa 2 nước. Để giữ vững tinh thần cho cán bộ, giáo viên, sinh viên, Đảng ủy trường quán triệt công tác tư tưởng và tăng cường các hoạt động duy trì kỷ luật, kỷ cương, đồng thời làm mọi công việc để đối phó khi tình huống xấu nhất xảy ra.

         Lúc đó tôi là một giảng viên khoa CNTY mới ra trường được 8 tháng. Cùng đợt sinh viên ở lại khoa làm công tác giảng dạy thời gian đó có thầy Trần Văn Khẩn (Nguyên phó giám đốc sở NN &PTNT Cao Bằng),  Cô Phạm thị Lai (Nguyên phó phòng NN &PTNT huyện Yên Bình, Yên Bái. Thầy Nông văn Điền (nguyên chủ tịch Công đoàn huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn.

 

 Thầy Khẩn, cô Lai (thứ 2,3 từ trái sang và thầy Bình (ngoài
cùng bên phải)

         Ngày 15/2/1979 tôi và thầy Điền lên Yên Bái dự đám cưới cô Lai. Sáng 17/2 chúng tôi ra ga Yên Bái để về trường thì thấy ga chật ních người đợi tàu về xuôi. Gương mặt ai cũng đầy sự căng thẳng, lo âu kèm sự hoảng hốt. Tìm hiểu qua khách đi tầu được biết chiến tranh biên giới đã xảy ra. Từ sáng sớm, quân xâm lược TQ đã tràn qua biên giới Lao Cai ở mạn Bát Xát, thị xã và đầu huyện Mường Khương để đánh vào đất ta. Dân từng đoàn lếch thếch bằng đủ loại phương tiện dắt díu nhau chạy giặc. Sân Ga Yên Bái dòng người ken đặc, các gương mặt nhễ nhại mồ hôi dù trời tháng 2 lúc đó khá rét. Nhận thức được tầm nghiêm trọng của tình hình tôi trao đổi và thống nhất nhanh với thầy Điền: “Bằng mọi cách phải có mặt ở trường sớm nhất” để lĩnh hội nhiệm vụ được phân công theo phương án đã chuẩn bị sẵn.

                Loay hoay một hồi chúng tôi đặt được một chân (Đúng nghĩa đen) lên toa tàu chợ để xuôi Hà Nội. Suốt từ ga Yên Bái tới ga Đông Anh, đoàn tàu chở nặng người chạy loạn cứ ỳ ạch, ỳ ạch. Cứ mỗi khi vào ga mới, đầu tàu lại rú lên từng hồi còi  và tuôn ra làn bụi khói mù mịt lên trời, đem lại cảm giác thật nặng nề và sốt ruột. Tới tận 9h tối 17/2 tàu mới ga Đông Anh. Thật may, đến ga đúng vào lúc tàu Thái Nguyên chuẩn bị chuyển bánh, chúng tôi vội đi tắt luôn sang tàu TN mà không kịp ra quầy mua vé. Sáng sớm 18/ mới về tới trường lúc 5h sang đã nghe loa truyền thanh mở đài tiếng nói Việt Nam đang phát thông tin về chiến tranh và tình hình chiến sự xảy ra.

               Do chủ động phần nào nên mọi công việc để đối phó với tình huống chiến tranh đã được Đảng ủy, BGH trường và các Khoa triển khai ngay tới các lớp sinh viên. Cái quan trọng nhất là ổn định tư tưởng sinh viên để giữ vững các hoạt động học tập, tuyên truyền  tin chiến sự và những kết quả chiến thắng ở mọi chiến trường để tạo không khí căm thù giặc và  chuẩn bị tâm thế sẵn sàng nhập ngũ khi cần…

          Trong cuộc chiến tranh xâm lược này, TQ đã đưa 60 vạn quân cùng hàng nghìn khẩu pháp,xe tăng và các phương tiện chiến tranh khác tấn công đồng thời trên toàn tuyến biên giới dài 1200 km, trải rộng suốt địa bàn 6 tỉnh từ Pa nậm cúm (Lai Châu), đến Lao Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và cuối cùng là Pò Hèn (Quảng Ninh) để thực hiện cái gọi là: “ Cuộc chiến tranh hạn chế, dạy cho Việt Nam một bài học”.

              Về phía trường, Ban chỉ huy quân sự hợp nhất của trường ra lệnh cấm trại với tất cả sinh viên, cán bộ và giảng viên để huy động kịp thời lực lượng khi cần. Toàn bộ tự vệ Nhà trường được phiên chế thành đơn vị cấp Trung Đoàn, vũ khí được phát cho cán bộ chiến sĩ tự vệ và hàng ngày chúng tôi tập các bài tập chiến thuật và kỹ thuật cá nhân do các giáo viên quân sự lúc đó là các thầy Ngô Sinh, Nguyễn văn Thưởng và Dương văn Uyển phối hợp với nhóm sỹ quan quân đội được tăng cường từ tỉnh dội Bắc Thái vào huấn luyện. Tinh thần yêu nước và căm thù quân xâm lược dâng lên sôi sục lòng người. Hầu như suốt ngày, đài truyền thanh trường nối sóng phát lên tin chiến sự và các bài hát cổ vũ tinh thần bộ đội, dân quân, tự vệ và nhân dân cả nước. Trong lòng chúng tôi dâng lên khí thế hừng hực với tâm trạng sẵn sàng lên đường ra trận bất kỳ lúc nào Tổ Quốc cần đến.

 Thầy Thắng (bên phả) và một người bạn

           Tin chiến trường cho biết suốt 2 tuần đầu chiến tranh, chỉ với lực lượng dân quân tự vệ và bộ đội địa phương nhưng với kinh nghiệm chiến đấu được tôi luyện, thử thách chúng ta đã vượt qua sự bị động lúng túng lúc đầu để đối phó hiệu quả với chiến thuật biển người và kìm chân không cho quân Trung Quốc tiến sâu vào nội địa. Quân ta đã tiêu diệt và tiêu hao hàng vạn sinh lực địch, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh làm cho quân địch hết sức bất ngờ.

           Để huy động sức người, sức của kịp thời và có hiệu quả cao khi cuộc chiến kéo dài, sáng thứ 2 ngày 5/3/1979 chủ tịch nước đã ra lệnh Tổng động viên toàn quốc. Lệnh tổng động viên được truyền trên sóng của Đài tiếng nói Việt Nam qua giọng đọc của phát thanh viên Tuyết Mai đanh thép, truyền cảm đã có sức lan tỏa, lay động tình cảm và lòng yêu nước của toàn dân tộc.

         Vài hôm sau, Trung đoàn tự vệ của Trường nhận được lênh của Bộ chỉ huy quân sự thống nhất tỉnh Bắc Thái yêu cầu huy động một tiểu đoàn đi phục vụ chiến trường. Tiểu đoàn khoa CNTY đã vinh dự gánh vác trách nhiệm tham gia chiến dịch. Trong thời gian 1 tuần các hoạt động phiên chế tổ chức quân số, chuẩn bị hậu cần và phân công trách nhiệm chỉ huy được triển khai đồng bộ và khẩn trương để khi có lệnh xuất kích là lên đường. Tất cả sinh viên từ khóa 6 đến khóa 10, mỗi khóa được phiên chế 1 đại đội do các thầy chủ nhiệm và một số bộ đội đã giải ngũ về học có kinh nghiệm chiến đấu trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Tôi nhớ lúc đó có các thầy: Thầy Nguyễn tiến Văn, Cao đắc Đạm (đi với khóa 6); Thầy Nguyễn Đăng Khuê, Phạm Đức Chương, Nguyễn Vân, Nguyễn Thạch Lương (đi với khóa 7); Thầy Nguyễn Khánh Quắc, Dương Mạc Thăng, Lục văn Thuộc (đi với khóa 8); Thầy Từ quang Hiển, Trịnh văn Toàn (đi với khóa 9) và các thầy Đặng quang Nam, Nguyễn Văn Tịnh, Nông văn Điền (đi với khóa 10). Kèm với đó là một số sinh viên lớn tuổi có thâm niên là lính cựu như: anh Vượng (K6), anh Sáng (khóa 7), anh Đa, anh Hùng, Anh Liễu (khóa 8), anh Thoa, anh Thuận, anh Khanh (khóa 9) và anh Niệm (khóa 10) được coi là các thành viên nòng cốt làm chỗ dựa tinh thần cho các bạn sinh viên trẻ chưa kinh qua chiến trận.

           Về phiên chế lãnh đạo tiểu đoàn: Thầy Đào Hạp – trưởng khoa, được bổ nhiệm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2, Thầy Nông công Ba – Phó khoa, làm chính trị viên tiểu đoàn, thầy Trần Tố - bí thư liên chi, làm tiểu đoàn phó phụ trách chuyên môn, Thầy Trịnh Hiến Thành – Phó khoa, làm tiểu đoàn phó phụ trách hậu cần, phối hợp cùng là các thầy cô khác đã có tuổi hoặc không đủ sức khỏe để đi chiến dịch. Ban trợ lý tiểu đoàn gồm 3 giáo viên trẻ là tôi, cô Lai và thầy Khẩn. Liên lạc tiểu đoàn là bạn Diệp (khóa 8). Cần vụ tiểu đoàn là bạn Tám (khóa 6). Đảm bảo chăm sức khỏe cho tiểu đoàn, một số cán bộ của phòng Y tế trường lúc đó như chị Hạc, chị Kỳ cũng được huy động cho chiến dịch.

            Nhiệm vụ tiểu đoàn Khoa CNTY (Phiên hiệu là tiểu đoàn 2) được cấp trên trao lúc ấy là lên tuyến Lạng Sơn để xây dựng phòng tuyến biên giới ngăn chặn bước tiến quân xâm lược về sâu đất Thái Nguyên. Cùng đi làm nhiệm vụ ấy có tiểu đoàn Gang thép và tiểu đoàn Đồng Hỷ.

           Trước giờ xuất trận, toàn tiểu đoàn tập hợp trước khoảng sân rộng giữa các khu nhà thí nghiệm của khoa để nghe Tiểu đoàn trưởng Đào Hạp quán triệt mục đích nhiệm vụ và kế hoạch hành quân, nghe Chính trị viên Nông Công Ba lên quán triệt về tinh thần tư tưởng. Đúng 6h30, ngày 16/3 toàn tiểu đoàn được đoàn xe quân sự gồm thuần một loại Zil khơ -30 đưa lên tuyến biên giới. Mỗi xe chất đầy lương thực, nồi soong, dụng cụ lao động: xà beng, cuốc chim, cuốc bàn, xẻng và quân tư trang của 2 tiểu đội. Đội hình hành quân nhằm hướng quốc lộ 1B thẳng tiến lên điểm dừng chân đầu tiên là xã Văn Mịch huyện Bình Gia tỉnh Lạng Sơn. Dọc đường lúc đó chỉ là đường rải đá dăm xe chạy nhanh xóc tung người nhưng ai ai cũng phân khích và hào hứng vì sắp được cống hiến sức trẻ của mình cho cuộc chiến. Trên đường hành quân chúng tôi hát vang các bài hát chống quân xâm lược. Lúc này TQ đã rút quân nhưng không khí chiến trường vẫn bỏng dãy hơi nóng của đạn pháo và mùi khét lẹt của khói súng.

           Điểm dừng chân của tiểu đoàn là một thôn nằm bên kia bờ sông Bắc Giang thuộc xã Văn Mịch. Chúng tôi lại tiếp tục vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược và dụng cụ lao động rồi lao ngay vào xây dựng lán trại và các công trình phụ trợ để bắt tay vào chiến dịch sớm nhất. Các đại đội được bố trí vào ở trong các gia đình xung quanh ban chỉ huy tiểu đoàn.

          Nhiệm vụ hàng ngày là lên các dãy núi đất chạy cắt ngang hướng đông bắc – tây nam để đào hào và công sự chiến đấu. Đội trợ lý chúng tôi được phân công tới các đơn vị vạch tuyến, chia khoảng và nghiệm thu khối lượng đào đắp mỗi ngày của các đại đội. Sức sinh viên trói gà không chặt mà đào hầm hào rất giỏi. Định mức khoán 1,4 m chiều dài đường hào rộng 60 cm và sâu ngập đầu người vào khoảng 1,6 m, Đất đào lên đắp gọn trên thành hào. Khối lượng này bình thường một lực điền phải đào cả ngày, thế mà mỗi sinh viên chỉ ngày 3 bữa với cơm nấu từ hạt bobo ăn với mắm tôm, măng rừng vẫn đào băng băng vượt định mức được giao. Tuổi trẻ sinh viên vốn vô tư và hồn nhiên, cứ mỗi lúc giải lao lại tán đủ mọi chuyện như không biết mệt là gì. Đã thế, tối lại cắt cử nhau chia ca gác và canh phòng đơn vị, ngừa thám báo địch xâm nhập. Trời biên giới Lạng Sơn những ngày này rét lắm, buổi sớm sương giăng mờ mịt, lên núi đào hào  mà gió rét cứ rít lên từng cơn. Mỗi lúc nhày lên bờ hào giải lao là ai cũng sà tay vào đống lửa để chống tê cóng.

         Sau 2 tuần đào đắp tiểu đoàn đã hoàn thành khối lượng được giao ở Văn Mịch. Tiếp theo cấp trên điều chúng tôi đi địa điểm mới là trị trấn Tu Đồn huyện Văn Quan. Tại đây chúng tôi lại đào những dãy đường hào nhìn ra con đường quốc lộ 1B đi từ Văn quan lên Na Sầm. Bên kia đèo Khánh Khê là cầu Khánh khê, nơi đã xảy ra trận đánh của trung đoàn Đặc Công do Anh hùng Dương Công Sửu chỉ huy chống lại 1 sư đoàn quân Trung Quốc. Bên này chúng tôi đào hào mà cứ tưởng tưởng cảnh pháo dàn của TQ từ bên kia bắn sang hôm nào nên tay cuốc tay xẻng lại nhanh và mạnh hơn như trút nỗi căm hờn vào quân xâm lược.Tuổi trẻ là tuổi của yêu đương, trong gian khổ của chiến dịch nhiều tình yêu đẹp và lãng mạn đã nảy nở từ những ngày chia lửa, nhường cơm xẻ áo giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong hoàn thành nhiệm vụ chung.

          Cứ vậy sau một tháng, đôi tay của cán bộ chiến sỹ tiểu đoàn tự vệ Khoa CNTY đã đào hàng chục km hào giao thông để hình thành một phần phòng tuyến ngăn chặn bước tiến quân xâm lược. Ngày về, trong nắng sớm mùa xuân, đứng dưới đường quốc lộ nhìn lên, các dãy hào chạy đường đồng mức với các nhánh ngang thông tuyến suốt từ đỉnh núi xuống ngang lưng cứ ẩn hiện thấp thoáng dưới tán lá rừng trong nắng sớm như reo vui tiễn những người vừa làm ra nó trở lại hậu phương./.

0h30 sáng 17/02/2019

Hoàng Toàn Thắng

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Tại sao lại chọn khoa Chăn nuôi Thú y